Năm1859, Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh. Nhiều chí sĩ, nghĩa sĩ đã tụ quân kháng chiến cứu nước ở vùng Bảy Núi, tức Thất Sơn (nay thuộc tỉnh An Giang). Trước sức mạnh vũ khí hiện đại của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân chỉ có binh khí thô sơ và lòng quả cảm. Những người chỉ huy phải sử dụng đến "vũ khí tâm linh" để tiếp thêm sức mạnh cho binh sĩ. Võ phái Thất Sơn Thần Quyền ra đời từ đó.
Dấu vết truyền thuyết
Hiện nay, truyền nhân duy nhất và cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền là võ sư Hoàng Bá, cư ngụ tại cầu Tầm Bót, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đã 75 tuổi, gần 20 năm nay, võ sư Hoàng Bá đóng cửa võ đường, không thu nhận đệ tử nữa. Ông cho biết, bản thân ông chỉ lĩnh hội được một số tuyệt kỹ thuộc về phần "dương công” chứ không nắm được nhiều những bí quyết "âm công".
Theo ông thì: "Thất Sơn Thần Quyền là một môn phái cận chiến thực dụng, chỉ hữu ích trong chiến đấu thuở gươm đao xưa. Người võ sinh có những phương pháp luyện tập dị biệt. Vì bài quyền không có lời thiệu nên bị tam sao thất bản. Ngoài quyền cước, võ sinh còn được trang bị thêm niềm tin huyền bí để tạo sự tự tin, bình tĩnh. Trong chiến đấu, sự tự tin, bình tĩnh chiếm 50% thắng lợi".
Thất Sơn Thần Quyền chính tông gồm 2 phần: Quyền và thuật. Quyền là phần "dương công" gồm những thế võ cận chiến tay không và giáp chiến binh khí. Thuật là phần "âm công" huyền bí, dùng năng lượng siêu nhiên trợ lực. Chỉ đệ tử duy nhất được chọn kế thừa chưởng môn mới được sư phụ truyền dạy phần "âm công".
Vào năm 1957, người dân sinh sống dưới chân núi Sam (Châu Đốc, An Giang) vẫn còn thấy một đạo sĩ gầy, râu tóc bạc phơ, tu luyện trong rừng sâu trên đỉnh núi. Không ai biết thân thế, tên tuổi thật của ông. Chỉ thỉnh thoảng gặp và thấy ông không bao giờ rời lưng ngựa. Ông trông rất ốm yếu nhưng lại cưỡi ngựa không yên cương. Dốc núi gập ghềnh đá, ông phải có sức mạnh phi thường mới có thể cưỡi ngựa lên đỉnh xuống vồ. Vì thế, người dân địa phương gọi đùa là ông Đạo Ngựa.
Một lần dong ngựa xuống núi đổi rau củ lấy gạo, bắt gặp một toán cướp dùng súng uy hiếp người dân, ông xuống ngựa can thiệp, bị toán cướp xông vào vây đánh. Chỉ bằng một ngón tay, ông đã khiến một tên cướp trợn dọc mắt, ngã lăn bất tỉnh. Tên cướp khác toan nổ súng. Ông rùng mình một cái “bay” đến cạnh tên cướp tước súng rồi vung chân múa tay đánh gục hết những tên còn lại. Xong, ông ung dung lên ngựa trở về núi. Biết chuyện, nhiều thanh niên thán phục, rủ nhau lên núi tìm ông xin học võ. Không ai tìm được nơi trú ẩn của ông.
Tuy nhiên, có một người thanh niên quyết tâm tìm ông cho được. Người thanh niên này bò lên đỉnh núi Sam tìm nơi ngồi thiền lâm râm khấn: Khi nào gặp được sư phụ mới chịu xuống núi. Sau hai ngày chịu nắng mưa, đói khát giữa rừng sâu núi thẳm, người thanh niên ấy ngất xỉu. Khi tỉnh lại thì thấy mình nằm trong một hang động. Kể từ ngày đó, người thanh niên ấy trở thành đệ tử chân truyền của Đại sư Đạo Ngựa. Ngoài anh ra còn có một tiểu đồng tên Ba giúp ông Đạo Ngựa nhang khói.
Trong những ngày thọ đạo, người thanh niên ấy mới biết sư phụ mình là đệ tử kế thừa chưởng môn Thất Sơn Thần Quyền của Nam Cực Đường do Đại sư Bảy Do lập từ đầu thế kỷ XX, đào tạo nghĩa sĩ kháng Pháp. Năm 1917, quân Pháp bao vây bắt Đại sư Bảy Do đày ra Côn Đảo. Năm 1926, tại nhà lao Côn Đảo, Đại sư Bảy Do cắn lưỡi cho máu chảy đến chết.
Học được gần 1 năm, đã hết phần "dương công" chuẩn bị bước sang phần "âm công", người thanh niên ấy xin về nhà giỗ cha. Khi trở lại núi Sam, người thanh niên không tài nào tìm được hang động cũ. Nghĩ rằng, sư phụ muốn lẩn tránh mình, người thanh niên ấy đành lạy tạ hư không rồi xuống núi. Từ ngày đó cũng không ai còn thấy bóng dáng ông Đạo Ngựa đâu nữa.
Người thanh niên ấy chính là lão võ sư Hoàng Sơn.
Năm 1960, trong một trận thi đấu tranh giải võ thuật khu vực Đông Nam Á, võ sĩ Hoàng Sơn đại diện đoàn Việt Nam đấu với võ sĩ Kh'mer tên Nosar. Vào hiệp 1, chỉ sau vài chiêu giao đãi, võ sĩ Sonar xin dừng trận đấu vì nhận ra đồng môn. Hóa ra, Nosar cũng là đệ tử của Thất Sơn Thần Quyền. Năm 1970, ông Nosar trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Võ thuật Campuchia đã đào tạo ra những võ sĩ "thần quyền" nổi tiếng Campuchia như Nosar Long, Nosar Lieng.
Phát hiện võ sĩ Hoàng Sơn là truyền nhân của Thất Sơn Thần Quyền. Năm 1968, đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh tìm đến tận nhà Hoàng Sơn đề nghị quy tựu những người hiểu biết về Thất Sơn Thần Quyền để sưu tầm một môn phái đã bế truyền. Do chỉ biết phần "dương công" tức phần "quyền" nên Hoàng Sơn chỉ dám trương cờ Thất Sơn Võ Đạo tại Long Xuyên. Lá cờ nền đỏ có thêu hình 7 ngọn núi màu đen. Đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh đứng chân tại đó làm cố vấn cho Thất Sơn Võ Đạo.
Chỉ trong một thời gian ngắn, 10 võ sư từ các nơi nghe tin đã quy tụ về góp sức phục hồi Thất Sơn Võ Đạo, gồm: Nguyễn Thành Diệp, Phùng Vũ Châu (Tư Tiếp), Nguyễn Giầu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Thôi, Lê Đình Tây, Trần Văn Tủy, Lê Minh Nho, Sáu Rẩm, Hoàng Bá (trẻ tuổi nhất).
Võ sư Hoàng Bá - Đệ tử cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền.
Trong số này, chỉ có đại lão võ sư Nguyễn Thành Diệp là người may mắn nắm giữ được nhiều bí quyết phần "âm công" nhất. Tiếc rằng, chưa kịp hệ thống lại ông đã qua đời năm 1970. Những bí ẩn của Thất Sơn Thần Quyền xem như chìm vĩnh viễn vào hư vô.
Tuy không còn lưu giữ được các bí thuật huyền diệu nhưng Thất Sơn Võ Đạo cũng đào tạo được rất nhiều võ sĩ nổi tiếng. Nhiều trận thư hùng khu vực giữa các võ đường danh tiếng Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều có mặt võ sĩ Thất Sơn Võ Đạo.
Trận giao đấu tốn nhiều giấy mực của các ký giả thể thao miền Nam lúc ấy là trận Hoàng Thọ, đệ tử của võ sư Hoàng Sơn (môn phái Thất Sơn Võ Đạo) đấu với võ sĩ Tinor (môn phái Trà Kha) vào năm 1973 trong Đại hội Võ thuật tại Sài Gòn. Tinor là võ sĩ Lào được báo chí đặt cho biệt danh "Cọp bay" bởi chiêu song cước. Nhiều võ sĩ đã phải đo ván bởi cú đá bay nhanh như chớp và chính xác như công thức của võ sĩ này.
Trận trước, "Cọp bay" Tinor thi đấu với võ sĩ Dương Văn Me (sau này là võ sư Huỳnh Tiền). Khi mới vào kẻng, võ sĩ Dương Văn Me chưa kịp chuẩn bị, "Cọp bay" Tinor đã bay người tung cú đá từ phía sau. Dương Văn Me bị gãy xương sườn, trọng tài xử thua. Dưới khán đài, một cuộc ẩu đả xảy ra giữa hai phe cổ động viên. Bất phục, võ sĩ Hoàng Thọ nhảy lên võ đài thách đấu, các đại lão võ sư cả hai phía chấp nhận để vãn hồi trật tự dưới khán đài. Do đó là trận thách đấu nên được ban tổ chức thu xếp vào ngày cuối cùng và nằm ngoài giải đấu.
Khi võ sĩ Hoàng Thọ và "Cọp bay" Tinor thượng đài, ai cũng ái ngại cho Hoàng Thọ vì anh chỉ là một võ sĩ chưa tên tuổi lại thấp hơn "Cọp bay" Tinor một cái đầu. Vào hiệp 1, "cọp bay" Tinor xông lên áp đảo Hoàng Thọ vào góc đài. Chờ Hoàng Thọ lúng túng trong góc chết, "Cọp bay" Tinor tung một cú đá thốc từ dưới bụng lên. Hoàng Thọ dính đòn bật ngửa. Ai cũng tưởng Hoàng Thọ nằm vĩnh viễn trước cú đá bạt sơn của võ sĩ phái Trà Kha. Không ngờ Hoàng Thọ tung mình đứng lên, mặt đỏ au, mắt trợn ngược, tóc tai dựng đứng, tay chân vung đánh loạn xạ không theo một bài bản nào.
"Cọp bay" Tinor vừa chống đỡ vừa lùi ngược. Hoàng Thọ thét một tiếng rồi vung chân đá thẳng. Cú đá bay thẳng vào hàm Tinor. Tiếng xương hàm vỡ phát ra cùng lúc với tiếng kẻng kết thúc hiệp 1. Tinor đầu hàng, được đưa về võ quán ở Lào để điều trị rồi chết sau đó vài tháng. Hoàng Thọ trở nên nổi tiếng với bài "Thần quyền giáp chiến" của Thất Sơn Võ Đạo. Đó là 1 trong số 3 bài quyền còn nguyên vẹn phần quyền (võ) lẫn thuật (phép).
Theo hướng dẫn của võ sư Hoàng Bá, chúng tôi tìm đến Học Lãnh Sơn để gặp một đạo sĩ chỉ có cái tên duy nhất là ông Ba. Ông Ba cất một cái am u tịch giữa lưng chừng ngọn Học Lãnh Sơn để luyện đạo. Ông Ba đã 99 tuổi. Thuở thiếu niên, ông Ba làm tiểu đồng cho ông Đạo Ngựa để học đạo.
Ông Ba cho biết, ông không học võ thuật mà chỉ học đạo, nhưng cũng được sư phụ kể cho nghe về xuất xứ môn võ này.
Do có xuất xứ từ vùng Bảy Núi linh thiêng nên người đời gọi là Thất Sơn Thần Quyền. Môn võ này có 4 phần luyện là tam đạo nhất thần: Tu tâm dưỡng tính gọi là tâm đạo, định thần dưỡng khí gọi là thể đạo, luyện thân tráng kiện gọi là quyền đạo. Phần luyện thứ tư gọi là luyện thần. Tổ sư của môn phái võ này chính là… Chàng Lía - Một thủ lĩnh nông dân ở Bình Định. Chàng Lía chỉ huấn luyện cho nghĩa binh phần tam đạo chứ chưa có phần nhất thần.
Khi phong trào kháng chiến của Chàng Lía bị triều đình đàn áp, giải tán, một đại đệ tử là Hải Đề Long dẫn một số đệ tử chạy trốn từ miền Trung vào Nam trú ở vùng núi Tô Châu lánh trần tu tịnh. Trong số đệ tử có một người tên Nguyễn Văn Đa rất giỏi. Thời Thiệu Trị, Nguyễn Văn Đa thi đậu võ cử nhân nên được gọi là Cử Đa.
Võ sư Nosar (Campuchia), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Võ thuật Campuchia năm 1974, cũng là một đệ tử của Thất Sơn Thần Quyền.
Pháp chiếm lục tỉnh, triều đình nhu nhược trước quân Pháp, ông Cử Đa thất vọng từ quan về vùng Thất Sơn đứng dưới cờ kháng chiến của nghĩa quân Trần Văn Thành (quản cơ Trần Văn Thành) vào năm 1862, nghĩa quân Trần Văn Thành trú đóng dưới chân núi Liên Hoa Sơn (căn cứ Láng Linh, Bãi Thưa).
Láng Linh - Bãi Thưa là hai cánh đồng rộng nằm liền kề, có nhiều đầm lầy, lau sậy và vô số cây thưa um tùm, tăm tối. Căn cứ chính của Trần Văn Thành có tên là Hưng Trung doanh, đặt tại trung tâm rừng Bãi Thưa (nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang). Ông Cử Đa trở thành người huấn luyện võ thuật cho quân kháng chiến. Thua kém về vũ khí, để trấn an tinh thần nghĩa quân, thủ lĩnh nghĩa quân Trần Văn Thành giao cho Ngô Lợi huấn luyện quân.
Trần Văn Thành sinh năm 1820 ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm 1840, ông được cử làm suất đội trong chiến dịch giải giáp Nặc Ông Độn (em vua Cao Miên, khởi quân chống lại nước Nam). Năm 1845, ông được thăng làm Chánh quản cơ, coi 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam.
Vùng Thất Sơn, An Giang địa hình hiểm trở, có nhiều cọp beo, rắn rết cùng những loại cây ăn thịt (dân gian gọi là ngãi) khiến nhiều người bỏ mạng mất xác khi thâm nhập. Nghĩa sĩ kháng chiến tận dụng ưu thế bí hiểm của núi rừng thêu dệt nên những câu chuyện linh thiêng nhằm hạn chế sự đột nhập của mật thám Pháp.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, năm 1872, Trần Văn Thành chính thức phất cờ chống Pháp, lấy hiệu là Binh Gia Nghị. Năm 1873, Tổng đốc Trần Bá Lộc dẫn quân Pháp đánh vào Bảy Thưa. Ông Trần Văn Thành tử trận. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Quân Pháp tàn sát nghĩa quân. Ông Ngô Lợi thoát nạn, sau này quay trở về Láng Linh tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân dưới danh nghĩa tôn giáo chờ thời cơ.
Riêng ông Cử Đa cải trang thành một vị sư lấy tên là Sư Bảy, giả điên khùng, lưu lạc nhiều nơi để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Có lúc ông phải lánh sang Campot, Campongtrach, đến núi Tà Lơn tức Bokor (Campuchia). Đến năm 1896, ông Cử Đa mới trở về vùng núi Cấm lập am ẩn danh.
Khi nhập môn, võ sinh của Thất Sơn Thần Quyền học bài vỡ lòng là bài khấn tổ: “Nam mô tổ sư tam giáo đầu sư Dương Gia, Chàng Lía, cha Hồ, chúa Nhẫn, tổ sư Hải Đề Long núi Tô về cảm ứng nhậm lễ chứng miên cho đệ tử...". Sau đó, người võ sĩ được học những bài chú kêu gọi các đấng siêu nhiên nhập xác (như lên đồng) ứng chiến. Về quyền thế, Thất Sơn Thần Quyền có nhiều bài hay như: Linh miêu đoạt thạch, Tam sơn trấn ải, Mãnh hổ tọa sơn...
Ngày nay, Thất Sơn Thần Quyền chỉ còn là ký ức của những võ sư miệt đồng bằng sông Cửu Long. Dù không ai chứng minh được sự mầu nhiệm của môn phái này nhưng xuất xứ của Thất Sơn Thần Quyền gắn liền với một trang sử hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt. Đó là điều cần ghi nhận
Nguồn:NHS
0 comments:
Đăng nhận xét